Diễn ra từ ngày 24 đến 27-4 (tức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch), lễ hội Tháp Bà Ponagar có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng của tục thờ Mẫu.
Hàng năm, đến ngày diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar, người dân và khách hành hương ở Khánh Hòa và các tỉnh, thành trong khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên đều náo nức về tham dự. Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, ước tính lễ hội năm nay đón hơn 100.000 lượt khách hành hương, người dân, du khách thập phương về tham dự. Trong đó, có khoảng 5.000 đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận về với lễ hội. Đến thời điểm này, đã có hơn 100 đoàn khách hành hương đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia các hoạt động của lễ hội với số lượng hơn 3.000 người.
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Tháp Bà Ponagar. (Ảnh minh họa)
Lễ hội diễn ra với rất nhiều nghi thức truyền thống như: lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái; nghi thức rước kiệu từ Tháp Bà đi qua các tuyến đường trong khu dân cư; lễ cầu quốc thái dân an; lễ khai mạc; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương. Cùng với đó là các hoạt động dâng hương, hát văn, múa bóng lễ Mẫu của các đoàn hành hương; biểu diễn hát bội, các trò chơi dân gian, trình diễn kỹ thuật dệt vải, làm gốm của đồng bào Chăm…
Để mọi người về tham gia lễ hội đều có thể vào lễ Mẫu, ban tổ chức tiếp tục thực hiện việc phân luồng vào tháp chính. Các đoàn lần lượt được bố trí di chuyển trật tự vào bên trong dưới sự hướng dẫn của nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh. Sau nhiều năm thực hiện phân luồng đã chấm dứt được tình trạng chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự. Khu vực sân của di tích Tháp Bà Ponagar đã được lắp đặt những gian nhà bạt với tổng diện tích hơn 1.000m2 để che nắng cho mọi người, nhất là đối với đồng bào Chăm để thực hiện nghi lễ cúng bái theo phong tục truyền thống của mình.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, người dân và khách hành hương đều có thể đến khu vực nhà ăn để dùng bữa miễn phí. Đối với người Chăm, khu vực nấu nướng được bố trí riêng nhằm phù hợp với tập quán sinh hoạt. Ban tổ chức cũng phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và chính quyền 2 phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ để cắt cử lực lượng thường xuyên túc trực trong những ngày diễn ra lễ hội nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho mọi người. Công tác tiếp nhận lương thực, thực phẩm được quan tâm, kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ dưới sự giám sát của các đơn vị chức năng; hệ thống phương tiện để bảo quản thực phẩm đảm bảo hợp vệ sinh cũng được trang bị. Ban tổ chức đã in những bản nội quy về lễ hội niêm yết trong khu vực di tích, hệ thống loa phát thanh thường xuyên thông tin nhắc nhở mọi người thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cũng như nêu cao cảnh giác với các hiện tượng trộm cắp, cướp giật. Đặc biệt, những vấn đề như: xin ăn, mê tín dị đoan được kiên quyết xử lý, không để phát sinh trong thời gian diễn ra lễ hội.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar được xem là một hoạt động văn hóa trong Năm Du lịch Quốc gia 2019. “Đây là dịp để nhìn nhận và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, điển hình ở Khánh Hòa. Lễ hội được tổ chức trang trọng về phần nghi lễ, phong phú về phần hội. Qua đó thể hiện được bản sắc văn hóa của địa phương, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế”, ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
– Báo Khánh Hòa –