Đất vàng Nha Trang
khu “đất vàng” giữa thành phố biển Nha Trang bị bỏ hoang hơn chục năm. Hết nhà đầu tư này vào, nhà đầu tư khác đến, hình thức đầu tư này chuyển qua hình thức đầu tư khác, đến giờ vẫn chưa có ai trụ lại.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Hiện khu đất nghìn tỷ này đang tìm kiếm nhà đầu tư đủ năng lực để làm “sống dậy”, kỳ vọng này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư đang diễn ra.
Nhà đầu tư với cơ hội vào khu đất đắc địa
Khu đất 48 – 48A Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang có diện tích 3.642 m2, với hai mặt tiền đường Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai, bên cạnh Quảng trường 2 tháng 4 và Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa. Đây là một trong những vị trí đất vàng nha trang, được xem là đẹp nhất, đắc địa nhất, ở ngay trung tâm Thành phố và bên biển Nha Trang. Theo tìm hiểu, đất trên trục đường Trần Phú, những lô nhỏ vài ba trăm mét vuông có giá vào khoảng 350 – 500 triệu đồng/m2, nhưng hầu như không ai muốn bán.
Dự án sử dụng khu đất này đang được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt ngày 3/10/2016. Theo đó, mục tiêu Dự án là xây dựng công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ du lịch có tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, chiều cao công trình tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng 60%.
Hiện Ban QLDA phát triển tỉnh Khánh Hòa đang phát hành HSMT Dự án. Thời gian phát hành từ 8 giờ ngày 24/10/2016 đến 8 giờ ngày 23/12/2016. Theo thông báo mời thầu, tổng chi phí thực hiện Dự án là 1.500 tỷ đồng.
Ông Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban QLDA phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, Dự án không thực hiện bước sơ tuyển để tiết kiệm thời gian và thấy không cần thiết vì các nội dung cần phải làm trong bước sơ tuyển đều được đưa vào nội dung đánh giá năng lực, kinh nghiệm trong HSMT.
Bao giờ đất vàng hết bỏ hoang?
Nhìn lại “hành trình” dài của những nhà đầu tư trên khu đất tưởng dễ dàng “hái ra tiền” này mới thấy gian nan. Năm 2003, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư Dự án Nhà khách tỉnh Khánh Hòa trên khu đất này, tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng. Công ty Xây dựng trang trí kiến trúc ADC (Công ty ADC) được giao thi công Dự án mà không qua đấu thầu. Theo kế hoạch, Dự án đưa vào sử dụng ngày 2/4/2006.
Thế nhưng sau một thời gian xây dựng, Công ty ADC không triển khai thi công tiếp vì gặp khó khăn về tài chính sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Do vậy, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức thanh lý hợp đồng, Tỉnh tiến hành các thủ tục thanh toán toàn bộ chi phí khối lượng công trình đã thực hiện của Công ty ADC.
Đến khoảng năm 2007, khu đất này có chủ mới là Tổng công ty Khánh Việt. Theo nhiều nguồn tin, chủ đầu tư được lựa chọn không qua đấu giá. Sau khi nhà đầu tư này làm được một phần móng, đến cuối năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa lại thu hồi Dự án để đấu giá khu đất. Một trong những lý do được dư luận phản ánh là vì lựa chọn Khánh Việt không đúng quy định pháp luật.
Đến năm 2008, Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng lô đất này. Công ty In – Thương mại và Dịch vụ NN&PTNT (nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng NN&PTNT) là đơn vị trúng đấu giá với gần 221,7 tỷ đồng, để đầu tư dự án khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Nha Trang Grand Hotel & Residence. Tưởng chừng Dự án sẽ thành hình, nhưng sau đó nhà đầu tư lại bị điều tra về việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh kê biên lô đất này. Đến năm 2014, theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Công an đã gỡ lệnh kê biên để tạo điều kiện triển khai Dự án.
Đến ngày 16/11/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định thu hồi khu đất giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng NN&PTNT. Khu đất được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa quản lý.
Hành trình 13 năm qua của các nhà đầu tư đến rồi đi trên khu “đất vàng”này có lẽ phải vẽ bằng sơ đồ để dễ hình dung. Nhiều ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân là vì những nhà đầu tư được lựa chọn không qua quá trình cạnh tranh.
Sự lãng phí này đã khiến dư luận khá bức xúc và trước Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Khánh Hòa Khóa VI, nhiệm kỳ 2016 – 2020, rất nhiều cử tri tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND Tỉnh có biện pháp sử dụng lô đất tại số 48 – 48A Trần Phú đã bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí.
Đến nay, dự án sử dụng khu đất này lại được đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đề bài đưa ra đấu thầu đang có điều kiện: Nhà đầu tư phải nộp chi phí hoàn trả tiền sử dụng đất cho đơn vị trúng đấu giá (nhà đầu tư cũ) đã nộp trước đây là hơn 236,6 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư thực hiện dự án tự nguyện hỗ trợ một phần kinh phí cho nhà đầu tư cũ và nộp một khoản tiền vào ngân sách. Một số ý kiến đang băn khoăn về khoản tiền phải trả này, vì nhà đầu tư cũ đã nộp tiền vào ngân sách, hoàn trả lại là thuộc nghĩa vụ của Nhà nước hay của nhà đầu tư mới? Và điều kiện này có tạo ra một “bài toán” khó hơn cho việc lựa chọn nhà đầu tư?
Hành trình 13 năm qua của các nhà đầu tư đến rồi đi trên khu “đất vàng” này có lẽ phải vẽ bằng sơ đồ để dễ hình dung. Nhiều ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân là vì những nhà đầu tư được lựa chọn không qua quá trình cạnh tranh. |